Số hiệu mạng ASN (Autonomous System Number) là số thường được dùng trong các thủ tục định tuyến động trên mạng Internet. Ban đầu, số hiệu mạng được thể hiện là một số nguyên có giá trị từ 1 đến 65535 (các giá trị của 16 bít nhị phân), định nghĩa bởi RFC1930 (Request for comments 1930của IETF (Internet Engineering Task Force). Tuy nhiên trước tình hình nguồn tài nguyên số hiệu mạng với cấu trúc 16 bít này có nguy cơ sẽ cạn kiệt vào khoảng thời gian từ 2010 đến 2012, các tổ chức quản lý địa chỉ trên thế giới đã quyết định đưa vào sử dụng thế hệ số hiệu mạng mới với cấu trúc 32 bít bắt đầu từ ngày 01/01/2007.
Với cấu trúc mới 32 bít, không gian số hiệu mạng được mở rộng thêm một khoảng từ 65536 đến 4294967295. Một số hiệu mạng thế hệ mới có thể được biểu diễn dưới hình thức số thập phân thông thường như <ASN8061051> hoặc dưới dạng ASDOT <giá trị thập phân của 16 bít cao. giá trị thập phân của 16 bít thấp>. VD, số <ASN123.123> viết dưới dạng ASDOT khi chuyển đổi sang dạng thập phân sẽ có giá trị 8061051.
ASN được quản lý và cấp phát bởi Tổ chức cấp phát số hiệu Internet (IANA-Internet Assigned Numbers Authority). Các số ASN được cấp phát cho các Tổ chức đǎng ký vùng (regional registry) và các tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm phân bổ lại cho các đơn vị sử dụng khác. Hiện tại có 5 Tổ chức đǎng ký vùng là: APNIC (Asia Pacific Network Information Centre) chịu trách nhiệm đối với khu vực Châu á Thái Bình Dương, ARIN (American Registry for Internet Numbers) chịu trách nhiệm đối với khu vực gồm Bắc Mỹ và một phần khu vực Caribe, RIPE NCC (Réseaux IP Européens Network Coordination Centre) chịu trách nhiệm đối với khu vực Châu Âu và Trung Đông, LACNIC (Latin American and Caribbean Internet Addresses Registry ) chịu trách nhiệm đối với khu vực Châu Mỹ La tin và biển Caribe và cuối cùng là AFRINIC (African Network Information Centre) chịu trách nhiệm đối với khu vực Châu Phi.
ASN có giá trị độc lập với địa chỉ IP. Sở dĩ như vậy là bởi vì địa chỉ IP có một giá trị trong khoảng tương đối rộng, và việc cấp phát địa chỉ IP có thể là rất khác nhau trong một vùng, một khu vực. Nếu như việc định tuyến trên mạng được thực hiện dựa trên địa chỉ IP như đã thực hiện trong các thủ tục định tuyến kiểu cũ (static, rip ...) thì việc duy trì được bảng định tuyến cho một mạng cỡ lớn như Internet là một điều không tưởng. Bên cạnh đó việc tổng hợp các địa chỉ của các mạng con lại thành 1 địa chỉ mạng cỡ lớn hơn (summary) dựa trên địa chỉ IP cũng sẽ rất phức tạp (do có thể trong một khu vực có nhiều vùng địa chỉ IP khác nhau không liên tiếp). Việc đưa ra một phương pháp tổng hợp khác tổng quan hơn và đơn giản hơn sẽ làm cho việc định tuyến trở nên dễ thực hiện hơn. ASN được đưa ra để phục vụ mục đích này. Với mỗi khu vực, hoặc một tổ hợp các máy chủ cần định tuyến có thể được tổng hợp lại thành một hệ thống gọi là một "autonomous system" và trong các hệ thống dẫn tuyến sẽ chỉ được biểu thị bằng một bản ghi với ASN tương ứng, không phụ thuộc vào vùng địa chỉ IP tồn tại trong hệ thống đó.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet ngày nay, số lượng các mạng con phát triển rất nhanh, bảng định tuyến đầy đủ của Internet sẽ bị lớn lên với tốc độ rất cao và có khả nǎng làm tràn bộ nhớ của các thiết bị dẫn đường. Do đó đa số các nhà cung cấp dịch vụ mạng đã thống nhất sử dụng một quy tắc định tuyến chung, hiện tại là sử dụng thủ tục định tuyến động BGP-4 (Border gateway protocol version 4). Muốn sử dụng được BGP4 cho định tuyến động (đặc biệt quan trọng khi mạng có nhiều đường dẫn nối ra bên ngoài, và khi muốn dẫn tuyến theo chính sách riêng - còn gọi là policy routing) thì người quản trị mạng cần phải yêu cầu các tổ chức có quyền quản lý cấp phát cho một số hiệu mạng. Số hiệu mạng này phải là duy nhất trên Internet, và tuân thủ theo các quy định cấp phát của IANA và các tổ chức quản lý khu vực. Hiện nay ở Việt Nam việc cấp phát và quản lý số hiệu mạng được thực hiện bởi Trung tâm Thông tin mạng Internet Việt nam (VNNIC). Các số hiệu mạng do VNNIC cấp sẽ thuộc vào nhóm các số hiệu mạng do APNIC quản lý.