Ngày 28/02/2019, APNIC thông báo chính thức áp dụng chính sách cấp phát hạn chế mới đối với việc đăng ký IPv4. Theo đó, mỗi tổ chức chỉ được xét cấp tối đa 512 địa chỉ IP (01 vùng /23) (chỉ bằng ½ so với trước đây).
Khoảng 30 năm phát triển Internet, IPv4 vẫn được các đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn trong việc sử dụng cho hệ thống hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ. Bản đồ Internet toàn cầu vẫn ghi nhận vị trí trọng số thuộc về địa chỉ thế hệ thứ 4 - IPv4. Tuy nhiên, tài nguyên IPv4 là hữu hạn và nhu cầu đăng ký, sử dụng gần như không có điểm dừng. Năm 2011, địa chỉ IPv4 bắt đầu cạn kiệt trên phạm vi toàn cầu và không lâu sau đó Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), Tổ chức quản lý địa chỉ Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông báo khu vực cạn kiệt IPv4 và chuyển sang chính sách cấp phát hạn chế từ khối 103/8 cuối cùng của khu vực. Theo đó, mỗi tổ chức trong khu vực (bao gồm tổ chức tại Việt Nam) chỉ được xét cấp tối đa 1024 địa chỉ IPv4 từ khối 103/8 cuối cùng.
Ngày 28/02/2019, sau khi đạt được đồng thuận tại kỳ họp thành viên lần thứ 47 của APNIC (APNIC 47) được tổ chức tại Hàn Quốc, APNIC thông báo chính thức áp dụng chính sách cấp phát hạn chế mới đối với việc đăng ký IPv4. Theo đó, mỗi tổ chức chỉ được xét cấp tối đa 512 địa chỉ IP (chỉ bằng ½ so với trước đây), các cơ hội chờ để xét cấp bổ sung IPv4 từ khối non-103/8 đều bị xóa bỏ. Lý do chính sách đạt được đồng thuận nhanh chóng là cộng đồng Internet khu vực APNIC khẳng định IPv4 không còn là câu chuyện mới mẻ mà cần phải tập trung nhiều hơn nguồn lực để sử dụng thế hệ địa chỉ IPv6. Vùng địa chỉ IPv4 được xét cấp từ khối /8 cuối cùng với mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6.
Cạn kiệt IPv4 tại 05 khu vực trên toàn cầu (Nguồn: APNIC)
Theo dự báo, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cơ hội để đăng ký địa chỉ IPv4 độc lập sẽ kéo dài đến năm 2021. Tốc độ này có thể nhanh hơn phụ thuộc vào phát triển doanh nghiệp, dịch vụ Internet mới ở các nước trong khu vực. Nhằm đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, đảm báo tính dự phòng và phát triển mạng độc lập có kết nối đa hướng, các tổ chức, doanh nghiệp cần sớm triển khai đăng ký IPv4 độc lập trước khi vùng địa chỉ của khu vực hoàn toàn cạn kiệt. Đặc biệt là các tổ chức, cơ quan nhà nước và khối đơn vị có hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin dùng riêng.
RIR – Khu vực | Dự báo thời điểm cạn kiệt hoàn toàn IPv4 |
ARIN – Bắc Mỹ | Đã cạn kiệt hoàn toàn |
AFRINIC – Châu Phi | Cuối năm 2019 |
LACNIC – Mỹ Latin | Cuối năm 2019 |
RIPE NCC - Châu Âu | Giữa năm 2020 |
APNIC – Châu Á - TBD | Giữa năm 2021 |
Bảng dự báo thời điểm cạn kiệt IPv4 tại kho của các RIR (Nguồn: APNIC)
Hiện tại, ARIN đã cạn kiệt IPv4 và không còn triển khai cấp, phân bổ IPv4 theo chính sách hạn chế. Trong khi các khu vực khác sẽ lần lượt cạn kiệt hoàn toàn không gian địa chỉ IPv4 vào giữa năm 2019, 2020. Riêng APNIC, thời điểm cạn kiệt IPv4 dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 nhờ việc điều chỉnh chính sách và yêu cầu khắt khe hơn đối với tổ chức đăng ký IPv4, do đó, việc kéo dài thời gian cạn kiệt hoàn toàn không gian địa chỉ IPv4 tại APNIC là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chính sách khu vực có thể thay đổi, tốc độ đăng ký IPv4 của đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi khu vực có thể tăng, do đó, nếu quá chần chừ thì khả năng đăng ký được 512 địa chỉ IPv4 sẽ trờ nên quá khó khăn.
Đối với khối cơ quan Nhà nước, Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông đang tạo điều kiện để thúc đẩy các đơn vị nhà nước đăng ký sớm địa chỉ IPv4, IPv6 và số hiệu mạng (ASN) độc lập để xây dựng hệ thống mạng độc lập. Việc đăng ký đồng thời IPv4, IPv6, ASN để nghiên cứu, sử dụng sẽ hỗ trợ cho công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử của khối cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Theo chính sách cấp phát hiện nay, Trung tâm Internet Việt Nam khuyến nghị tất cả đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ/ Ngành, tất cả các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm, triển khai đăng ký sớm địa chỉ IPv4 (/23), IPv6 (/48), ASN độc lập để quy hoạch mạng lưới, dịch vụ, theo kịp với xu thế sử dụng địa chỉ Internet toàn cầu.