Ngày 03/04/2024, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ ngành, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo, chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông toàn quốc; Lãnh đạo, cán bộ chuyên trách công tác IPv6 các doanh nghiệp viễn thông, Internet; Lãnh đạo, cán bộ chuyên trách công tác IPv6 các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chủ trì Hội nghị
Việt Nam đang đi đúng hướng, thuộc nhóm các quốc gia tiêu biểu toàn cầu trong chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6
Phát biểu khai mạc, chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh: Chuyển đổi IPv6 là theo yêu cầu về công nghệ, theo xu thế chung của toàn cầu, là cơ hội phát triển cho mạng Internet Việt Nam, hướng tới phát triển Internet thông minh, Internet công nghiệp; mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi sang IPv6-only.
Việt Nam đang đi đúng hướng, giai đoạn 2021 đến nay luôn giữ nhịp tăng trưởng trong ứng dụng, triển khai IPv6. Tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam hiện nay đạt hơn 60%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 8 toàn cầu. Dịch vụ IPv6 được cung cấp, sử dụng rộng rãi qua Internet băng rộng. Đối với khối cơ quan nhà nước, 82/85 (96%) Bộ, ngành, địa phương đã ban hành và thực hiện kế hoạch chuyển đổi IPv6; 76/85 (89%) Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng Thông tin điện tử, dịch vụ công.
Mặc dù có các kết quả bước đầu, công tác chuyển đổi IPv6 vẫn cần xác định tinh thần triển khai quyết liệt, kiên trì, liên tục. Chuyển đổi IPv6 là cần thiết, không thể chậm trễ, cần sự tham gia đồng lòng của tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Mục tiêu chuyển đổi IPv6 giai đoạn 2021-2025, hướng 2026-2030
Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024.
Ngày 25/03/2024, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024”.
Điều hành phiên trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC nhận định triển khai IPv6 Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025 chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo 2026-2030 cần tập trung vào các nội dung:
1. Mạng truy cập: 100% người dân truy cập Internet băng rộng qua IPv6.
2. CQNN: Triển khai 3 bước cuối trong lộ trình “3 giai đoạn - 10 bước chuyển đổi IPv6”. Đây là các nội dung khó, cần sự đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp, tuy nhiên chuyển đổi IPv6 cũng là một “thị trường mới, lớn” cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Đối với CQNN, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng số kết hợp với tái cấu trúc hạ tầng mạng theo hướng hiện đại, an toàn từ gốc, phục vụ phát triển lâu dài hoạt động mạng, dịch vụ của CQNN.
3. Cung cấp dịch vụ IPv6 mặc định cho các dịch vụ IDC, Cloud.
4. Thúc đẩy trao đổi lưu lượng IPv6 trong nước; các website, ứng dụng, nền tảng, báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin cần chuyển đổi sang sử dụng IPv6.
5. Chuyển đổi IPv6 làm cho Internet lớn hơn, rộng khắp, phổ cập, đồng thời phải gắn với an toàn, chất lượng và dịch vụ mới để phát triển hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh hơn, an toàn hơn và bền vững.
6. Chuyển đổi IPv6 là yêu cầu về công nghệ, theo xu thế toàn cầu, là cơ hội phát triển cho Internet Việt Nam, hướng tới phát triển Internet thông minh, Internet công nghiệp; mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi sang IPv6-only giai đoạn 2026 – 2030.
Để phục vụ cho giai đoạn tới, VNNIC đã triển khai kế hoạch thiết lập Lab để nghiên cứu, triển khai IPv6-only và sẽ phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức trong thử nghiệm, triển khai công nghệ này. VNNIC cũng tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, hội nghị về an toàn, chất lượng IPv6, định tuyến RPKI, DNSSEC để hỗ trợ cho vấn đề đảm bảo an toàn hoạt động Internet.
Hội nghị Triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6, IPv6 For Gov năm 2024
Kiên trì, đồng bộ để hoàn thành mục tiêu IPv6 quốc gia (2023-2025)
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch Hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Việt Nam sẽ chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6); phát triển hệ thống DNS quốc gia ứng dụng các công nghệ, tiêu chuẩn quốc tế mới nhất đáp ứng phát triển 5G, loT, IPv6, IPv6+; Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.
Trao đổi, phát biểu tại Hội nghị, các doanh nghiệp, đại diện Bộ, ngành, các Sở TTTT khẳng định sự quyết tâm thúc đẩy và thực hiện thành công công tác chuyển đổi IPv6 cho năm 2024 cũng như giai đoạn sắp tới, với các điểm nhấn như sau:
(1) Bộ TTTT định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác, đồng hành. Giao VNNIC chủ trì điều phối, đào tạo, hướng dẫn, triển khai tổng thể công tác IPv6 Việt Nam.
(2) Các Cục CNTT, Trung tâm CNTT, Sở TTTT chủ trì thực hiện chuyển đổi IPv6 theo 03 Giai đoạn - 10 bước. Chuyển đổi IPv6 gắn với quy hoạch, hiện đại hóa hạ tầng mạng, đảm bảo an toàn từ gốc.
(3) Các ISP, Mobile, IDC, Cloud: Cung cấp dịch vụ trên nền IPv6; Hỗ trợ, tư vấn dịch vụ cho cơ quan nhà nước; truyền thông, công bố dịch vụ trên Website doanh nghiệp.
(4) Nội dung số (báo điện tử, OTT/ Media): Chuyển đổi và sử dụng IPv6 cho dịch vụ nội dung; tăng lưu lượng IPv6 trong nước.
(5) Thành viên địa chỉ Internet: Chuyển đổi và sử dụng IPv6.