Ngay sau khi ký Thỏa thuận hợp tác phát triển mở rộng điểm kết nối Trạm trung chuyển Internet Quốc gia (VNIX PoP) vào ngày 09/11/2023 tại Hà Nội, ngày 21/11/2023, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) đã tổ chức lễ khai trương điểm VNIX PoP tại Data Center (DC) Tân Thuận của CMC Telecom. Điểm VNIX PoP đã hiện diện tại một trong các DC được đánh giá là an toàn, hiện đại nhất Việt Nam, hoàn toàn đáp ứng điều kiện môi trường và kết nối vật lý theo yêu cầu của VNIX. Các tổ chức, doanh nghiệp đang triển khai dịch vụ tại CMC Telecom DC Tân Thuận có thể kết nối trực tiếp đến Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), qua đó kết nối với hơn 50 mạng của các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang kết nối VNIX, tối ưu chi phí, không cần triển khai thêm các đường truyền dẫn vật lý độc lập, giảm độ trễ, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Lễ Khai trương VNIX PoP tại CMC Telecom DC Tân Thuận
Điểm đặt VNIX PoP tại CMC Telecom DC Tân Thuận được thiết lập theo mô hình Local peering, chuẩn mực quốc tế trong kết nối Internet hiện nay, hỗ trợ giao thức Internet thế hệ mới IPv6. Đại diện của CMC chia sẻ sẽ hỗ trợ miễn phí các chi phí truyền dẫn đối với các tổ chức, doanh nghiệp đang triển khai sử dụng dịch vụ tại DC Tân Thuận tham gia kết nối VNIX PoP tại DC Tân Thuận, qua đó kết nối với hơn 50 mạng của các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang kết nối VNIX, tối ưu chi phí, không cần triển khai thêm các đường truyền dẫn vật lý độc lập.
Mô hình kết nối VNIX cho các tổ chức, doanh nghiệp tại các DC của CMC Telecom
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Tino chia sẻ: “Là doanh nghiệp đang sử dụng và triển khai dịch vụ tại DC Tân Thuận của CMC Telecom, Tino rất hân hạnh là một trong những thành viên đầu tiên của VNIX thông qua điểm hiện diện VNIX PoP tại CMC DC Tân Thuận. Việc này cho phép Tino mở rộng các hướng kết nối Internet peering trực tiếp tới mạng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp như Viettel, VNPT, CMC Telecom, Mobifone, VNG, hệ thống DNS quốc gia..., qua đó tiếp cận đến tập khách hàng lớn hơn với chi phí và chất lượng dịch vụ kết nối tốt hơn, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn”.
Ông Lê Ngọc Đức - Chủ tịch Hội đồng quản lý VNNIC (phải) trao chứng nhận điểm kết nối VNIX PoP cho ông Ngô Trọng Hiếu - Phó Chủ Tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC - Tổng Giám đốc CMC Telecom (trái)
Trung tâm Internet Việt Nam và Công ty cổ phần Hạ tầng Viễn thông CMC hợp tác, hỗ trợ và phát triển thêm các thành viên VNIX tại DC Tân Thuận và triển khai thêm các điểm VNIX PoP tại các DC của CMC Telecom trên phạm vi cả nước trong thời gian tới nhằm phục vụ mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển, đảm bảo an toàn cho Internet Việt Nam, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, sớm Việt Nam trở thành Digital Hub trong khu vực đúng theo định hướng của Nhà nước và ngành Thông tin và Truyền thông.
Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) là trạm trung chuyển Internet thuộc Trung tâm Internet Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận để hỗ trợ: Bảo đảm an toàn cho hoạt động của toàn bộ mạng Internet Việt Nam, nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi Internet Việt Nam sang IPv6. Hiện VNIX có hơn 50 mạng thành viên kết nối bao gồm nhiều tổ chức lớn về Internet trong nước như VNNIC (hệ thống DNS quốc gia), Viettel, VNPT, CMC Telecom, VNG … Hiện nay trên thế giới có khoảng 730 IXP đang hoạt động trong tổng số 1126 điểm kết nối IXP thành lập (nguồn PCH.NET). Các IXP được triển khai tại nhiều địa điểm (khu vực, quốc gia, vùng,...) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Internet, giúp giải quyết các vấn đề kết nối, tăng cường chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối Internet. Theo kết quả VNNIC nghiên cứu, tìm hiểu với 150 IXP tiêu biểu trên thế giới, 99% các IXP đều đặt tại các IDC trung lập, nơi tập trung nhiều hệ thống mạng đặc biệt các content lớn, các ngân hàng, tài chính, fintech, Cloud, CDN… Thống kê các IXP lớn hiện nay, ngoài các điểm chính đặt tại các IDC lớn thì các IXP đều triển khai nhiều các điểm mở rộng đặt tại các IDC khác (gọi là các POP mở rộng IXP) nhằm cung cấp hạ tầng kết nối gần nhất đến các thành viên đang có hạ tầng mạng đặt tại các IDC và tăng cường chất lượng dịch vụ peering. Một số IXP lớn quốc tế có nhiều điểm kết nối POP đặt tại các IDC như: LN-IX Anh có 63 điểm POP, DE-CIX Frankfurt Đức có 49 điểm, AMS-IX Hà Lan có 16 điểm, DE-CIX Berlin Đức có 14 điểm, BBIX Nhật có 19 điểm, SGIX Singapore có 12 điểm, MyIX Malaysia có 5 điểm … |