Ngày 16/04/2009, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia đã phiên họp lần thứ nhất chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng, Trưởng ban, với sự tham dự của các thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và một số doanh nghiệp ISP lớn.
Tại phiên họp, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã có báo cáo tổng quan về thực trạng, xu thế, tình hình sử dụng tài nguyên địa chỉ Internet tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc đưa IPv6 là việc làm cần thiết và cần sớm được triển khai theo kế hoạch, lộ trình phù hợp với xu thế của thế giới và thực tiễn của Việt Nam.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên Ban công tác, các thành viên là thuộc các doanh nghiệp ISP, đơn vị đã trực tiếp thực hiện thử nghiệm địa chỉ IPv6, Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng đã kết luận:
1. Việt Nam cần thiết phải thực hiện việc chuyển đổi sang nguồn địa chỉ thế hệ mới IPv6. Việc chuyển đổi phù hợp với xu thế chung của thế giới không chỉ do nguồn địa chỉ IPv4 đang cạn kiệt nhanh chóng mà còn do IPv6 mang lại nhiều lợi ích hơn về tính bảo mật, chất lượng dịch vụ… Tuy nhiên việc triển khai còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh doanh đối với doanh nghiệp do các doanh nghiệp tự xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phù hợp với bản thân đơn vị mình.
2. Việc triển khai IPv6 tại Việt Nam cũng có nhiều yếu tố thuận lợi như nguồn địa chỉ IPv6 đã được cấp cho các doanh nghiệp, chi phí cho địa chỉ thấp, phần lớn các thiết bị phần cứng đều hỗ trợ IPv6 và nhiều đơn vị đã có những kinh nghiệm nhất định trong quá trình thử nghiệm IPv6. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi thì các doanh nghiệp cũng sẽ gặp những khó khăn không nhỏ như chi phí phát sinh thực hiện việc chuyển đổi; việc triển khai được thực hiện trên diện rộng và các doanh nghiệp đều chưa có kinh nghiệm triển khai thực tiễn tương tự; chưa có kế hoạch chung của quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang IPv6.
3. Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Thường trực Ban công tác sẽ xây dựng báo cáo tham vấn với sự tham gia đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó trình Bộ trưởng ban hành chương trình hành động quốc gia về triển khai IPv6 trong Quý 3 năm 2009. Đồng thời, trên cơ sở Kế hoạch hành động quốc gia, các doanh nghiệp cũng phải tự xây dựng và hoàn thành kế hoạch hành động chi tiết trong năm 2009 cho phù hợp với định hướng chung quốc gia và phù hợp với thực tiễn của từng doanh nghiệp. Các ISP lớn như VNPT, Viettel nghiên cứu, xúc tiến đưa việc thiết lập đường kết nối IPv6 trực tiếp (native) ra quốc tế để triển khai thử nghiệm các dịch vụ trên IPv6 với quốc tế vào kế hoạch của đơn vị mình.