BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM - VNNIC

Trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho các đơn vị có thành tích xuất sắc Giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov

Trong khuôn khổ Hội nghị VNNIC Internet Conference 2023 diễn ra vào ngày 30/6/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức phiên chuyên đề IPv6/IPv6 For Gov với sự tham gia của Lãnh đạo và chuyên viên từ các Sở Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo, chuyên viên từ các đơn vị phụ trách CNTT các Bộ, ngành; các doanh nghiệp nhằm trao đổi thảo luận về các giải pháp cho công tác chuyển đổi IPv6 Việt Nam.

Cũng tại phiên chuyên đề IP/IPv6, VNNIC tổ chức lễ trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho 15 đơn vị tiêu biểu có thành tích hoàn thành xuất sắc Giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet IPv6, đáp ứng yêu cầu mạng Internet giai đoạn mới

IPv6 là giải pháp để phát triển Internet thế hệ mới đáp ứng các yêu cầu, tính năng cần thiết của giai đoạn dữ liệu, môi trường số, của kỷ nguyên thông minh. Việc thay thế IPv4 không chỉ do vấn đề cạn kiệt tài nguyên, mà là sự phát triển về công nghệ. Internet toàn cầu chuyển dần từ dual-stack IPv4/IPv6 sang công nghệ thuần IPv6, IPv6 với công nghệ AI, tăng cường chất lượng kết nối Internet với băng thông cao, độ trễ thấp, tự động hóa và bảo mật tốt hơn.

Thực hiện chuyển đổi Internet Việt Nam sang hoạt động với IPv6, phát triển hạ tầng số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã điều phối các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan nhà nước đồng bộ thực hiện quá trình chuyển đổi IPv6:

+ Giai đoạn 2011-2019, thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, về cơ bản chuyển đổi mạng lưới doanh nghiệp, dịch vụ Internet hoạt động với IPv6.

+ Giai đoạn tiếp theo: đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ cơ quan nhà nước. Ngày 14/01/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình IPv6 For Gov với 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021-2022; Giai đoạn 2 từ 2023-2025.

+ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định: “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)”.

Sau 2 năm triển khai Chương trình IPv6 For Gov; cùng các mục tiêu về chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 57,6%, thuộc top 10 toàn cầu, thứ 2 ASEAN, thứ 3 Châu Á. Dịch vụ băng rộng IPv6 đã phủ rộng khắp.

Đối với các cơ quan nhà nước, 81/85 (95%) Bộ, ngành, địa phương ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6. 75/85 (88%) Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, Dịch vụ công. 

Phiên chuyên đề IPv6/IPv6 For Gov tại Hội thảo VNNIC Internet Conference 2023

Trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho các đơn vị có thành tích xuất sắc Giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov

Để ghi nhận những đóng góp, thành tích tiêu biểu của các đơn vị, doanh nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Giai đoạn 1 Chương trình IPv6 for Gov, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định khen thưởng Bằng khen của Bộ trưởng cho 15 đơn vị, bao gồm: 09 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hải Phòng, Yên Bái, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam; 04 đơn vị phụ trách CNTT khối Bộ, ngành: Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải), Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Khối doanh nghiệp, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nhận Bằng khen Bộ trưởng với thành tích là các doanh nghiệp chủ đạo, đóng góp phần lớn trong tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam và là doanh nghiệp chủ đạo trong cung cấp dịch vụ, hỗ trợ CQNN triển khai IPv6, thực hiện chương trình IPv6 For Gov. 

Các đơn vị tiêu biểu nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về thành tích hoàn thành xuất sắc Giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov

Tại phiên chuyên đề, các đơn vị CQNN cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ, như khó khăn về nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, kinh phí thay thế thiết bị...

Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam nhấn mạnh các mục tiêu lớn trong Giai đoạn tiếp theo (2023 – 2025) của Chương trình IPv6 For Gov và công tác chuyển đổi IPv6 Internet Việt Nam, cụ thể: 100% Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT. Chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang hoạt động với IPv6, 100% người dùng được truy cập Internet IPv6. Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 70% - 80%. Với vai trò chủ trì điều phối Chương trình IPv6 For Gov cũng như công tác IPv6 Việt Nam, VNNIC sẽ tiếp tục đồng hành với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong công tác chuyển đổi IPv6.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu

tại phiên họp chuyên đề IPv6/IPv6 For Gov.

Thông qua các bài học kinh nghiệm triển khai IPv6 giai đoạn vừa qua, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thảo luận các giải pháp, phương hướng triển khai nhiệm vụ Giai đoạn 2 (2023-2025). Trong thời gian tới, VNNIC, các đơn vị CQNN địa phương, các Bộ, ngành và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành hướng đến hoàn thành mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn IPv6 cho Internet Việt Nam, sẵn sàng cho hoạt động thuần IPv6 trong giai đoạn tiếp theo.