Trong tháng 8, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức chuỗi 04 chương trình tập huấn, đào tạo chuyển đổi IPv6, DNS dành cho các Sở Thông tin Truyền thông trên cả nước, các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Các chương trình được thực hiện trực tuyến trên nền tảng VNNIC Internet Academy. Nội dung đào tạo tập trung hướng dẫn các địa phương thực hiện 03 bước cuối của 03 Giai đoạn - 10 bước chuyển đổi IPv6 trong CQNN, hướng tới hoàn thành mục tiêu chuyển đổi toàn diện IPv6 cho mạng, dịch vụ của CQNN theo Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025. 04 chương trình đào tạo có sự tham gia của 256 học viên đến từ 100% (63/63) Sở TTTT toàn quốc và 29 đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, CQTW.
Chuyển đổi IPv6 kết hợp tái cơ cấu hạ tầng mạng, dịch vụ CQNN theo hướng độc lập, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Ngày 25/03/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024”; giao VNNIC chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị chuyên trách CNTT khối Bộ ngành, các Sở TTTT và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, doanh nghiệp công nghệ thông tin, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi IPv6 Việt Nam. Mục tiêu 2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt nam đạt tối thiểu 65% và hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình IPv6 For Gov (2021 - 2025); tập trung triển khai 03 bước cuối trong 03 Giai đoạn – 10 bước chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước. Chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng số kết hợp với tái cấu trúc hạ tầng mạng CQNN theo hướng hiện đại, an toàn đồng bộ với kế hoạch phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số của địa phương để tiết kiệm chi phí và xây dựng hạ tầng số hiện đại, an toàn từ gốc, phục vụ phát triển lâu dài.
Tính đến tháng 8/2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 63.3%, Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu, tăng 03 bậc so với 2023 (cao hơn các nước lớn: Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ...). Về chuyển đổi IPv6 trong khối địa phương, 100% các địa phương đã chuyển đổi IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, dịch vụ công; 38/63 (60%) địa phương đăng ký, sử dụng IP, ASN độc lập. Về chuyển đổi IPv6 tại khối Bộ, ngành, đã có 22/30 (73%) cơ quan đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, DVC; 18/30 cơ quan đã đăng ký, quy hoạch, sử dụng IP/ASN độc lập.
Theo kế hoạch 2024, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi IPv6, duy trì hoạt động ổn định cho Cổng TTĐT, Dịch vụ công, mở rộng chuyển đổi IPv6 cho các hệ thống thông tin, Website khác; tập trung thực hiện 03 bước cuối của 10 bước chuyển đổi IPv6 của CQNN, phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Chương trình IPv6 For Gov.
Chuỗi chương trình đào taọ, tập huấn chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước là các hoạt động đào tạo thường niên VNNIC tổ chức nhằm tư vấn, hỗ trợ các đơn vị trong công tác chuyển đổi IPv6, kết hợp tái cơ cấu mạng, dịch vụ CQNN theo hướng độc lập, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Chương trình tập huấn, đào tạo chuyển đổi IPv6, DNS dành cho các Sở Thông tin Truyền thông trên cả nước, các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, CQTW
Phát biểu khai mạc chương trình, Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VNNIC nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi IPv6 nói chung và đối với CQNN nói riêng. Ông kỳ vọng nội dung đào tạo sẽ giúp các cơ quan trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi IPv6 song song với hiện đại hoá hạ tầng mạng phát triển an toàn bền vững, hỗ trợ CQNN hoàn thành sớm các chỉ tiêu Chương trình IPv6 For Gov.
Chương trình tập huấn năm nay tập trung hướng dẫn thực hiện 03 bước cuối của 10 bước chuyển đổi IPv6, bao gồm chuyển đổi IPv6 cho trung tâm tích hợp dữ liệu, chuyển đổi IPv6 kết nối WAN tới các đơn vị, hướng tới giai đoạn hoàn thiện, chuyển đổi toàn bộ hệ thống CNTT nội bộ, sẵn sàng triển khai mạng thuần IPv6 (IPv6 only).
Nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam và kết quả IPv6, các học viên được hướng dẫn kiểm tra và kích hoạt IPv6 cho mạng truy cập, mạng LAN, Wifi khi doanh nghiệp ISP đã cấp IPv6 tới thiết bị đầu cuối của khách hàng cơ quan nhà nước. Đây cũng là giải pháp để hướng tới mục tiêu 100% khách hàng băng rộng sử dụng IPv6. Các học viên cũng được hướng dẫn xây dựng, triển khai hệ thống máy chủ DNS quản lý tên miền, hệ thống máy chủ tên miền đệm (DNS Caching), triển khai DNSSEC; trao đổi thảo luận về kinh nghiệm giám sát, kiểm tra đảm bảo hoạt động, an toàn cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) IPv6, sẵn sàng cho hoạt động thuần IPv6, hướng tới hoàn thành sớm mục tiêu Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 – 2025.
03 Giai đoạn -10 bước chuyển đổi IPv6 cho khối CQNN
Tính đến nay, VNNIC đã tổ chức tròn 100 khóa IPv6 cho 4.963 học viên, trong đó có 3.458 lượt học viên đến từ 100% Bộ, ngành, địa phương và 1.505 học viên đến từ khối các doanh nghiệp. Trong năm 2025 và thời gian tới, VNNIC tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các khoá đào tạo mới, thường niên về giám sát, tối ưu, đảm bảo an toàn (Monitoring, Optimization, Security) với IPv6; IPv6 cho dịch vụ mới (5G, IoT, Cloud …) hướng tới mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang IPv6 và phát triển Internet hiện đại, an toàn, bền vững.
Số lượt học viên được tập huấn, đào tạo về IPv6
Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 (IPv6 For Gov), được ban hành theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT ngày 14/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ cơ quan nhà nước. Chương trình bao gồm 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021-2022; Giai đoạn 2 từ 2023-2025. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được Bộ Thông tin và truyền thông giao chủ trì thực hiện Chương trình, đầu mối triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các địa phương, bộ, ngành về công tác chuyển đổi IPv6. |