Hiện nay, các vụ việc liên quan tới tranh chấp, xung đột về quyền sử dụng tên miền đang có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này xảy ra do người sử dụng chưa thực sự nắm được các quy định về việc đăng ký, sử dụng tên miền và cách giải quyết phù hợp khi có sự “đụng độ” giữa quyền sử dụng tên miền và quyền sở hữu trí tuệ.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) hướng dẫn xử lý 20 – 30 trường hợp khiếu nại liên quan đến tranh chấp tên miền “.VN”. Riêng trong 06 tháng đầu năm 2018, số lượng vụ việc tranh chấp tên miền “.VN” đã lên tới 13 vụ. Các vụ việc tranh chấp quyền sử dụng tên miền của các thương hiệu lớn làm tốn không ít giấy mực báo chí phải kể đến vụ việc của tên miền samsungmobile.com.vn, ebay.vn, thebodyshop.com.vn, toyotavn.vn, camry.vn, bambooairway.vn… và gần đây nhất là trường hợp của tên miền e-sacombank.com.vn. Tên miền e-sacombank.com.vn hiện tại đã được đăng ký bởi chủ thể khác, đang được sử dụng để đăng tải và cập nhật thường xuyên các nội dung liên quan đến các tin tức, hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hiện tại, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đã có công văn gửi VNNIC đề nghị hướng dẫn cách thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền e-sacombank.com.vn.
Nhìn chung, các doanh nghiệp thường gặp rắc rối không mong muốn khi tên nhãn hiệu của mình đã bị một chủ thể khác đăng ký sử dụng trước đó, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản của vấn đề này là do các doanh nghiệp/ chủ thể vẫn chưa nắm rõ được các quy định liên quan đến việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia “.VN”; dẫn đến quan niệm sai lầm rằng nếu tên thương mại, thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ thì đương nhiên được “bảo hộ” đối với tên miền trên Internet.
Pháp luật Việt Nam đã quy định, nguyên tắc đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.VN” là bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước, được quyền sử dụng trước. Do đó, việc đăng ký sử dụng tên miền “.VN” là độc lập và không chịu sự điều chỉnh của các quy định về sở hữu trí tuệ. Khi xảy ra xung đột phát sinh giữa tên miền Internet và quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần phân biệt và lựa chọn cách thức giải quyết triệt để và phù hợp.
Áp dụng theo thông lệ quốc tế cũng như quy định tại Việt Nam, hình thức giải quyết khi có phát sinh xung đột, tranh trấp về quyền sử dụng tên miền có thể được thực hiện thông qua thương lượng, hoà giải; thông qua trọng trài và khởi kiện tại toà án. Trường hợp kết quả giải quyết tranh chấp tên miền cho phép nguyên đơn đăng ký sử dụng thì nguyên đơn sẽ được ưu tiên đăng ký sử dụng tên miền. Trong trường hợp nội dung trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền có xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, thì cơ quan chức năng có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp để chấm dứt các hành vi vi phạm của chủ thể tên miền. Tuy nhiên đây là xử lý vi phạm hành chính để chấm dứt hành vi vi phạm, không đảm bảo quyền ưu tiên cấp lại tên miền cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.
Tuy chủ thể đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia “.VN” được pháp luật Việt Nam đảm bảo quyền, việc tranh chấp xảy ra là điều không mong muốn, có thể gây nhầm lẫn và tổn thất nghiêm trọng đến hình ảnh, lợi ích của doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc nắm rõ các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp xung đột về quyền sử dụng tên miền, các doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn và đẩy đủ về việc chủ động bảo vệ tên miền thương hiệu trên môi trường mạng. Giải pháp tối ưu cho vấn đề này là doanh nghiệp nên chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý,… của mình với cơ quan quản lý tên miền. Đồng thời cũng cần rát soát và đăng ký bao vây tên miền quanh tên nhãn hiệu của doanh nghiệp.