BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM - VNNIC

Hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang IPv6 sẵn sàng cho CMCN 4.0

Địa chỉ Internet (IP) là tham số định danh các thiết bị tham gia hoạt động Internet. Phiên bản đầu tiên được sử dụng từ thời điểm khởi đầu của Internet là IPv4. Do sự phát triển như vũ bão của dịch vụ và số lượng các thiết bị tham gia hoạt động mạng, bắt đầu từ những năm 2005, nguồn IPv4 có dấu hiệu cạn kiệt, rõ nét dần từ 2008 và thực sự diễn ra trên toàn cầu và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2011. Bên cạnh đó, IPv4 cũng bộc lộ những nhược điểm trước các yêu cầu của dịch vụ, công nghệ mạng thời kỳ mới.

Tại Việt Nam, địa chỉ IPv6 được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Cơ quan quản lý tài nguyên Internet tại Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lần đầu giới thiệu vào năm 2004. Để đảm bảo sự phát triển của hoạt động Internet Việt Nam, trong giai đoạn 2008-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các kế hoạch, hoạt động thúc đẩy chuyển đổi ứng dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trên mạng lưới và dịch vụ nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của hoạt động mạng và dịch vụ Internet Việt Nam, bắt kịp xu thế mới về công nghệ.

Cột mốc chính thức đánh dấu chủ trương thúc đẩy sử dụng IPv6 tại Việt Nam là ngày 06/5/2008, khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ra Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Tiếp đó, ngày 06/01/2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được thành lập để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai và theo dõi, điều phối hoạt động chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.

Ngày 29/03/2011, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký ban hành, xác định rõ quan điểm “Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 là cần thiết và tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững và hoạt động ổn định của Internet Việt Nam”. Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019 với mục tiêu tổng thể "Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019".

Với mục tiêu tổng thể là “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019”, trong suốt giai đoạn 2011 - 2019, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (Ban Công tác) đã cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bám sát nội dung, lộ trình của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Năm 2019 đánh dấu chặng đường 12 năm Việt Nam thực hiện công tác thúc đẩy phát triển sử dụng địa chỉ IPv6. Ban Công tác đã cùng các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chuyển đổi Internet Việt Nam từ IPv4 sang IPv6 một cách an toàn.

Lộ trình triển khai ứng dụng IPv6 tại Việt Nam

Sau các nỗ lực, hoạt động đúng hướng, Việt Nam có kết quả ứng dụng IPv6 xuất sắc. Mạng Internet Việt Nam được chuyển đổi sang thế hệ mới sử dụng IPv6, hoạt động ổn định; dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng (bao gồm dịch vụ của doanh nghiệp, dịch vụ công của cơ quan nhà nước) đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới.

Tính đến tháng 12/2019, các chỉ số, kết quả thể hiện công tác ứng dụng triển khai IPv6 tại Việt Nam cụ thể như sau:

- Tổng thể: Tính đến hết tháng 11/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 39,94%, vượt xa các quốc gia trong khu vực và thuộc nhóm quốc gia tiêu biểu nhất toàn cầu, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 trên thế giới với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6. Kết quả thực hiện cũng đã vượt mục tiêu chung đặt ra là đến cuối 2019, mức độ ứng dụng của Việt Nam đạt trung bình chung toàn cầu (hiện ở khoảng 22%).

- Hạ tầng mạng IPv6 quốc gia: Khai trương từ năm 2013 trên nền tảng Hệ thống DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX), Hạ tầng mạng IPv6 quốc gia hiện có 6/7 cụm máy chủ DNS quốc gia hoạt động tốt với IPv6 và kết nối với VNIX qua IPv4/IPv6 cùng 18 ISP lớn trong nước, là cơ sở hạ tầng cho phát triển Internet Việt Nam nói chung và IPv6 nói riêng.

- Mạng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp:

+ Dịch vụ FTTH, di động: Các doanh nghiệp chủ đạo đã cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 cho khách hàng, tiêu biểu là: Tập đoàn Viettel (4.2 triệu khách hàng FTTH, 11.4 triệu khách hàng di động), Tập đoàn VNPT (04 triệu khách hàng FTTH, 03 triệu khách hàng di động), MobiFone (10 triệu khách hàng di động), FPT Telecom (1.5 triệu khách hàng FTTH) với mức độ ứng dụng IPv6 trên mạng lưới và dịch vụ rất cao (Viettel: 52%; VNPT: 40%; MobiFone: 50%, FPT: 30%). Việt Nam hiện có hơn 10 triệu thuê bao FTTH, 24.4 triệu thuê bao di động đã hoạt động tốt với IPv6.

+ Dịch vụ nội dung, cloud, IDC, hosting,... hoạt động tốt trên nền tảng IPv6. Việt Nam hiện có 10.650 Website hoạt động tốt với IPv6 dưới tên miền “.vn” (tỷ lệ phát triển là 178% so với số liệu năm trước).

- Mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước: Được sự hỗ trợ trực tiếp từ Thường trực Ban Công tác, nhiều cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho hệ thống ứng dụng CNTT, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến sang IPv6 như: Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Tin học hoá, Cục Bưu điện Trung ương, Sở TT&TT Tp. Hồ Chí Minh, Sở TT&TT Đà Nẵng, Sở TT&TT Lâm Đồng, Sở TT&TT Long An, Sở TT&TT Đồng Nai, ...

- Về xây dựng chính sách:

Hành lang pháp lý quy định về ứng dụng, hỗ trợ IPv6 cơ bản đã hoàn thiện thông qua việc đưa các nội dung quy định về thúc đẩy, ứng dụng IPv6 trong các VBQPPL:

+ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

+ Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

+ Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ Quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

+ Văn bản số 1541/BTTTT-VNNIC ngày 17/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước.

- Về đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và khối cơ quan nhà nước:

Thường trực Ban đã thực hiện hơn 50 khóa tập huấn, đào tạo cho hơn 2.000 học viên (trong đó có: 800 học viên của hơn 30 doanh nghiệp; 1.200 cán bộ của 81 cơ quan nhà nước gồm 24 đơn vị cấp trung ương; 57 Sở TT&TT); triển khai chương trình tư vấn, làm việc trực tiếp với: 21 cơ quan nhà nước gồm 15 Sở, 06 cơ quan nhà nước khác; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ về nguồn lực để các cơ quan, doanh nghiệp triển khai ứng dụng IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ.

Thường trực ban cũng biên soạn và công bố các tài liệu đào tạo về IPv6:

+ Tài liệu tham khảo cho các chương trình đào tạo về viễn thông và CNTT.

+ Chương trình đào tạo trực tuyến: công bố tại địa chỉ http://daotaoipv6.vnnic.vn.

+ Tài liệu chi tiết hướng dẫn thực hiện công tác chuyển đổi IPv6, kèm sơ đồ khái quát 03 Giai đoạn - 10 bước chuyển đổi dành cho các cơ quan nhà nước.

Số lượng học viên được tập huấn, đào tạo IPv6 qua các năm

Các chỉ số ứng dụng triển khai IPv6 ấn tượng của Việt Nam là kết quả của sự định hướng, chỉ đạo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sự tích cực, bền bỉ của các cơ quan thuộc Bộ: Trung tâm Internet Việt Nam - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương và các đơn vị khác; sự phối hợp hiệu quả từ các doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Tổng công ty Viễn thông Mobifone v.v..