TRẠM TRUNG CHUYỂN INTERNET QUỐC GIA (VNIX) – HẠ TẦNG SỐ CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ra đời từ năm 2003 với mục tiêu là công cụ quản lý, điều tiết của nhà nước, tạo ra môi trường trung lập hỗ trợ các doanh nghiệp Internet kết nối với nhau, phát triển Internet tại Việt Nam, đến nay VNIX đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng chung toàn cầu. Trình bày tại phiên chuyên đề “Hạ tầng số xanh và bền vững” trong khuôn khổ chương trình “Internet Day 2022”, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chia sẻ vai trò của VNIX trong hành trình 25 năm phát triển của Internet và định hướng phát triển VNIX trong thời gian tới.
Sự ra đời VNIX và mở rộng phát triển VNIX theo chuẩn mực quốc tế, mở rộng kết nối các hạ tầng mạng độc lập
Trước khi Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) ra đời vào năm 2003, lưu lượng trao đổi trong nước còn hạn chế, các thông tin dữ liệu để chuyển tiếp giữa các mạng trong nước phải đi vòng ra quốc tế dẫn đến vấn đề về an toàn thông tin mạng; chất lượng dịch vụ mạng không tốt (độ trễ lớn, mất gói dữ liệu, gián đoạn dịch vụ). Các ISP phải mua băng thông quốc tế với mức phí cao trong khi phải trung chuyển đồng thời lưu lượng trong nước và lưu lượng quốc tế. Các vấn đề này xảy ra trong một khoảng thời gian dài do việc đàm phán thỏa thuận, kết nối peering giữa các ISP trong nước lúc đó gặp nhiều khó khăn. VNNIC đã xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống VNIX với mục tiêu là công cụ quản lý, điều tiết của nhà nước, tạo ra môi trường trung lập hỗ trợ các doanh nghiệp Internet kết nối với nhau, phát triển Internet tại Việt Nam.
Gắn liền với sự phát triển của hạ tầng Internet Việt Nam, gần 20 năm hình thành và phát triển, VNIX đã làm tốt vai trò là điểm kết nối Internet trong nước giải quyết các vấn đề mâu thuẫn không kết nối trực tiếp (de-peering) giữa các doanh nghiệp có hạ tầng; tiết kiệm chi phí kết nối quốc tế, chi phí truy cập Internet; tăng chất lượng dịch vụ; hỗ trợ ứng cứu khi có sự cố kết nối cáp quang quốc tế, nhằm tạo nên hạ tầng kết nối Internet Việt Nam ổn định, an toàn.
Số liệu VNIX tính đến tháng 10/2022
Trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet trong gian đoại mới, đặc biệt là các xu hướng công nghệ Internet of Things (IoT), Bigdata, 5G, điện toán đám mây (cloud computing)… dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với những thách thức về quy hoạch mạng lưới, hạ tầng kết nối, chất lượng cũng ngày càng cao. Vì thế, để giải quyết một số vấn đề kết nối Internet tại Việt Nam, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của VNIX trong phát triển hạ tầng kết nối Internet tại Việt Nam, hệ thống VNIX cần phải phát triển theo xu thế, chuẩn mực quốc tế. Nếu VNIX thời kỳ ban đầu chỉ kết nối các doanh nghiệp Internet ISP có giấy phép hạ tầng, đến năm 2019, VNIX tiếp tục được mở rộng phạm vi hoạt động, cho phép tất cả các mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (ISP, ICP, IDC, Cloud, mạng của chính phủ, cơ quan nhà nước,…) có số hiệu mạng (ASN) độc lập và IP do VNNIC cấp phát quản lý được đấu nối VNIX. Loại hình kết nối cũng được mở rộng, bao gồm cả kết nối đa phương và kết nối song phương ngay tại VNIX.
Biểu đồ: Cơ cấu thành viên VNIX
Phát triển hạ tầng số, kết nối các nền tảng số; Đảm bảo an toàn Internet Việt Nam
Trong giai đoạn hiện nay, VNIX còn là hạ tầng số kết nối các nền tảng số, là giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia như đã được xác định trong Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tiếp tục phát huy vai trò hiện tại và bắt kịp sự phát triển trong môi trường xã hội số mới, VNIX cũng đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng chung toàn cầu. Để hỗ trợ tốt hơn, thuận tiện hơn kết nối các nền tảng số, VNIX đưa ra một số giải pháp mới nhằm tăng cường mở rộng kết nối, thu hút thành viên bằng việc xây dựng các điểm kết nối POP (Point of Presence) đặt tại các IDC trung lập; triển khai giải pháp kết nối định tuyến từ xa (Remote Peering). Theo đó, các hệ thống mạng độc lập thông qua hạ tầng kết nối cung cấp bởi các doanh nghiệp viễn thông để kết nối peering với VNIX mà không cần triển khai thêm các tuyến truyền dẫn vật lý độc lập, từ đó tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật và chất lượng, đưa VNIX đến gần nhất với các tổ chức, đơn vị có nhu cầu. Trên nền tảng hạ tầng VNIX, Trung tâm Internet Việt Nam tập trung phát triển các dịch vụ miễn phí, công cụ hỗ trợ cho các thành viên kết nối như triển khai các hệ thống ký số tài nguyên Internet RPKI (Resource PKI), công cụ đo lường tốc độ kết nối Internet tại Việt Nam (VNNIC Internet Speed: https://ispeed.vn), dịch vụ đồng bộ thời gian thực (NTP), triển khai hệ thống DNS Root, Hệ thống phòng chống, giảm thiểu tấn công lớp mạng DDoS…
Có thể nói rằng sự phát triển của hệ thống kỹ thuật hạ tầng quan trọng Internet quốc gia, trong đó có VNIX đóng góp lớn vào sự phát triển của Internet Việt Nam trong 25 năm qua. Cụ thể hành trình 25 năm Internet Việt Nam phản ánh qua sự phát triển của tài nguyên, hạ tầng quan trọng mạng Internet Việt Nam được giới thiệu qua Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2022 với chủ đề “25 năm Internet Việt Nam”. Ấn phẩm được VNNIC biên soạn và công bố tại chương trình “25 năm Internet Việt Nam và Internet Day 2022”.
Thông tin chi tiết về ấn phẩm xem tại:
https://vnnic.vn/sites/default/files/whitebook/BaoCaoTainguyenInternet2022.pdf