Kể từ khi tổ chức Internet Society (ISOC) phát động chiến dịch “World IPv6 Launch” ngày 06/6/2012 để chính thức công bố triển khai IPv6 trên mạng lưới toàn cầu, tỷ lệ triển khai IPv6 thế giới tăng trưởng tới 3000% đến cuối năm 2017 và đạt hơn 20% đầu năm 2018 (theo thống kê của Google). Hiện tại, IPv6 không còn là “tương lai của Internet”, không chỉ thay thế nguồn tài nguyên IPv4 đã cạn kiệt mà IPv6 đã trở thành điều kiện tất yếu để tham gia hoạt động kết nối. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, ứng dụng và nội dung số đang tích cực “chạy đua”, cố gắng “chiếm thị phần” người dùng IPv6 trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng bùng nổ thông tin di động.
Tỷ lệ IPv6 tăng trưởng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực IPv6 đã không còn là công nghệ mới mà được hiện diện ở khắp mọi nơi với số lượng người dùng IPv6 ngày càng cao. Thế giới đã chứng kiến bước nhảy vọt trong chuyển đổi IPv6 với mức tăng trưởng đến 3000% từ năm 2012 đến cuối năm 2017. Theo thống kê của Google, hơn 20% lưu lượng trao đổi trên Intenret hiện nay là IPv6. Theo báo cáo về tình hình triển khai IPv6 của thế giới năm 2017 của ISOC, riêng 12 tháng cuối năm 2017, tỷ lệ ứng dụng IPv6 tăng 47,63% với hơn 9 triệu tên miền và 23% hệ thống mạng lưới được kết nối. Trung tâm Thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) cũng công bố tỷ lệ ứng dụng triển khai IPv6 thời điểm hiện tại theo mức tăng trưởng từ cao đến thấp theo khu vực lần lượt là Nam Á (47,78%), Bắc Mỹ (38,28%), Tây Âu (31,07%), Bắc Âu (20,75%), châu Úc (17,55%), Nam Mỹ (15,98%) và Đông Nam Á (6,71%) (nguồn APNIC). Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng IPv6 đột phát. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Úc tăng 83%, Hàn Quốc tăng 110% và tại Thái Lan, tỷ lệ ứng dụng IPv6 tăng 197% chỉ riêng trong 12 tháng cuối năm 2017. Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ triển khai IPv6 tăng 200% từ năm 2016-2017. Tính đến 20/3/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 9,88% với hơn 4,8 triệu người dùng.
|
Xu hướng IoT, mạng di động băng rộng tốc độc cao và sự bùng nổ thông tin di động tác động mạnh mẽ tới sự tăng trưởng IPv6 thế giới
Ở Ấn Độ, việc triển khai ứng dụng IPv6 trên diện rộng của Reliance JIO với phủ sóng 4G cho 80% dân số quốc gia đã nâng tổng thể tỷ lệ lưu lượng IPv6 của Ấn Độ và đưa quốc gia này trở thành quốc gia có mức độ ứng dụng IPv6 cao nhất khu vực châu Á (đứng thứ 3 thế giới sau Bỉ, Mỹ). Reliance JIO đã bắt đầu triển khai IPv6 ngay từ khi APNIC tuyên bố cạn kiệt địa chỉ IPv4. Đến 20/3/2018, tỷ lệ triển khai IPv6 của JIO này đạt 87,91%, tương đương với khoảng 70% lưu lượng IPv6 của Ấn Độ. Hiện tại, JIO đã triển khai IPv6 tới 90% khách hàng băng rộng cố định của họ (nguồn APNIC).
Mỹ cũng là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai IPv6 khi các hãng di động lớn đều “chuẩn hoá” IPv6 cho mạng lưới 4G và các thiết bị LTE. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 tại Mỹ “tăng tốc” nhờ 3 nhà cung cấp dịch vụ băng rộng hàng đầu Comcast, AT&T và Time Warner Cable và 4 nhà cung cấp dịch vụ di động quốc gia Verizon, AT&T, Sprint and T-Mobile. Đây đều là những mạng lưới có kết quả triển khai IPv6 cao nhất thế giới với lưu lượng IPv6 trung bình đều vượt ngưỡng 50%.
Hiện tại, tất cả các dịch vụ và sản phẩm của Comcast hiện đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ 4G LTE cho mạng thuần IPv6. Vững vàng tại vị trí thứ 7 trong top 10 doanh nghiệp có tỷ lệ triển khai IPv6 cao nhất thế giới, nhà cung cấp dịch vụ di động Verizon Wireless đã triển khai công nghệ dual stack từ năm 2011, chính thức triển khai mạng thuần IPv6 cho dịch vụ 4G LTE từ ngày 30/6/2017 và tắt bỏ hoàn toàn IPv4 trên mạng lưới. Đến tháng 7/2017, Verizon Wireless dẫn đầu triển khai IPv6 tại Mỹ với kết quả 77,62% mạng lưới được triển khai IPv6 và đầu năm 2018, tỷ lệ triển khai IPv6 đạt 82,64% (theo thống kê của World IPv6 Launch).
Chiến lược “chạy đua” cùng xu hướng triển khai IPv6 cho dịch vụ di động băng rộng và nội dung số
Với kết quả triển khai IPv6 tốt như hiện nay, chắc chắn trong tương lai IPv6 sẽ tiếp tục tăng trưởng và IPv6 sẽ được triển khai chính thức cho thuê bao 4G LTE, thậm chí 5G tại các khu vực trên thế giới. Để có chiến lược và kế hoạch triển khai IPv6 hiệu quả, trước hết chính phủ phải là nhân tố thúc đẩy đầu tiên, cùng với sự chủ động của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động và các nhà cung cấp nội dung số. Theo phân tích về chiến lược triển khai IPv6 tại các nước thành viên APEC (nghiên cứu về kinh nghiệm triển khai IPv6 tại Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand,…) công bố vào tháng 8/2017, nhận thấy chính phủ luôn là “kim chỉ nam dẫn đường”, đề ra các chiến lược, lộ trình chuyển đổi rõ ràng cho mỗi quốc gia. Tại những nước này, việc đảm bảo cơ sở hạ tầng của chính phủ sẵn sàng cho triển khai IPv6 là điều kiện tiên quyết. Các cơ quan chính phủ phải được trang bị đầy đủ các thiết bị IPv6 và được triển khai IPv6 cho toàn bộ mạng lưới trước khi họ tiến hành triển khai IPv6 tới người sử dụng và đưa ra các chiến lược phối hợp với doanh nghiệp tư nhân.
Trong thời gian tới, bức tranh toàn cảnh IPv6 thế giới sẽ tiếp tục có những bước đột phá mới dưới tác động của những “kẻ thống lĩnh” là các nhà cung cấp dịch vụ di động, ứng dụng và IoT.
Nguồn tham khảo:
[1] https://apnic.net
[2] https://www.cisco.com
[3] https://internetsociety.org